Đã thành cổ lệ, cứ đến mồng 6 tết âm lịch, dân làng Niệm Thượng (Niệm Nghĩa - Tiên Du - Bắc Ninh) lại trống dong cờ mở rước "cụ ỉn" ra đình để...chém lợn cầu may.
 |
Rước "cụ ỉn" ra đình Niệm Thượng. |
Hàng ngàn người dân vùng phụ cận và du khách thập phương đã đổ dồn về làng Niệm Thượng để tham gia lễ rước "cụ ỉn" qua làng ra đình. Không phải ai cũng được quyền nuôi chú lợn nhỡ, chăm sóc, tắm rửa để biến chú lợn thành "cụ ỉn" xứng đáng làm vật tế thần thánh. Ngay từ giữa năm, dân làng đã chọn ra 2 người đảm bảo đủ các tiêu chuẩn: đúng 50 tuổi, khoẻ mạnh, mát tay, gia cảnh phong túc, con cái đuề huề để nuôi "cụ ỉn". Cũng những tiêu chuẩn như trên và thêm một chút tài khoa đao chém lợn nữa là thành đao thủ được đứng trước cửa đình thực hiện nghi lễ cầu may cho cả làng.
 |
Khao "cụ ỉn" dọc đường bằng bánh ngọt |
Cái gốc của lễ tế lợn chém thần là câu chuyện dã sử liên quan tới danh tướng Đoàn Thượng cuối thời Lý: Khi Trần Thủ Độ soán ngôi Lý Huệ Tông, tướng Đoàn Thượng đã hưng binh chống lại Trần Thủ Độ và bị thua chạy lên tận làng Niệm Thượng. Thời ấy, rừng núi hoang vu, lợn rừng nhiều vô kể mà lương thảo lại thiếu thốn. Quân tướng Đoàn Thượng đành phải...chém lợn nuôi quân.
Để tưởng nhớ danh tướng Đoàn Thượng, gần 1000 năm nay, dân làng Niệm Thượng mở hội chém lợn tế thánh vào đúng ngày 6 tết âm lịch.
Đấy là căn cứ theo dã sử nhưng các nhà văn hoá học lại nghiêng về ý nghĩa biểu tượng sâu kín của lễ chém lợn tế thánh liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: Máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng, với tinh dịch đàn ông vv...có khả năng làm thụ thai, làm cho sống nên tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề, khả năng thụ thai vô hạn, mùa màng bộ thu, vật nuôi sinh sản nhiều. Hán tự tóm tắt bằng một chữ: Vượng.
Lễ rước bắt đầu từ 8h sáng. Hai "cụ ỉn", mỗi cụ ngồi một cỗ cũi sạch sẽ tinh tươm được tráng đinh hộ tống qua làng. Cũng trống dong cờ mở, cũng có phường bát âm, có "lính" vác loa vác hèo dẹp đường ồn ã. Dân làng mở cửa ra ngắm "cụ ỉ" rất thành kính và bỏ tiền công đức vào cho cụ nữa.
Hai cỗ cũi lợn ra đến đình làng là bắt đầu nghi lễ. Trước khi đao thủ hành sự, người ta múa sênh tiền, hát cầu trước cửa đình đễ giã cụ ỉn về trời.
 |
Tài nghệ khoa đao của đao thủ làng Niệm Thượng. |
Sau khi đao thủ khao đao chém "cụ ỉn", dân làng chen chúc nhau lấy tiền quệt một chút máu lợn mang về thờ, coi như lời cầu may đã được chuẩn y.
Cũng như hội đâm trâu ở Tây Nguyên và hội chọi trâu ở Hải Phòng, thịt của "cụ ỉn" vì được "thánh hoá" nên bán rất đắt hàng: trên 30.000 đồng/kg. Người ta tin rằng ăn một miếng thịt đã được thánh hoá thì phát tài, phát lộc cả năm.
Xin giới thiệu chùm ảnh nóng: Khoa đao chém lợn tế thánh do phóng viên Lê Anh Dũng vừa chuyển về từ làng Niệm Thượng: