Đoàn Thượng‎ > ‎

Đến lễ hội đình Phùng Khoang

đăng 22:53 14 thg 11, 2011 bởi Người dùng không xác định
Cứ vào ngày mồng tám tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân chúng Làng Phùng Khoang lại nô nức tổ chức lễ hội rước Đức Thành Hoàng từ Đình vòng quanh làng rồi ra Chùa làm lễ, đến chiều cùng ngày lại rước Ngài về Đình.

Lễ rước Đức Thành Hoàng

Từ sáng sớm tinh mơ, nhà nào nhà nấy đều tưng bừng, nhộn nhịp, tấp nập sắm sửa một mâm lễ trước cửa nhà để chờ đón rước Ngài với lòng thành kính, mến phục. Đoàn nhiếp ảnh chúng tôi cũng vậy, ai nấy đều lục tục từ tối hôm trước chuẩn bị chu đáo mọi thứ, nào máy ảnh, nào card, nào pin, nào phim…, ôi thôi thì đủ mọi  thứ. Sáng sớm chúng tôi đã tới Đình Phùng Khoang, lúc này quanh đình đã đông nghịt người kể cả những người tới dự hội. Đoàn chúng tôi toả ra khắp nơi, mỗi người tìm cho mình một góc ưng ý nhất để chụp đoàn rước Đức Thành Hoàng, chụp những người đi hội, chụp quang cảnh hội. Người đến xem hội, người đến chụp ảnh, càng ngày càng thêm đông vui, náo nhiệt. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng tiếng reo hò nổi lên khắp nơi khiến ngày hội càng trở nên tưng bừng, nhộn nhịp hơn

Phung Khoang được xây dựng cách đây 5 thế kỷ, khi ấy còn gọi là trại Phùng Quang thuộc Nhân Mục Môn. Đại đình kiến trúc theo kiểu liên hoàn với nhà tiền tế và hậu cung kết cấu thành hình chữ đinh, hướng mặt về phía Đông. Trong đình có nhiều công trình điêu khắc và chạm trổ rất tinh xảo, độc đáo, hiện Đình còn giữ được hai con rồng đá mang đậm phong cách thời Lê, nhiều hoành phi, câu đối ca ngợi công tích của Đức Thành Hoàng. Đình Phùng Khoang đã được trùng tu hai lần vào thời Lê, thời Nguyễn, và được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa năm 1991.

Múa Lân
Đình Phùng Khoang thờ Đức Thánh Đoàn Thượng (1204- 1256) - quan Thái uý đời Vua Lý Huệ Tông, chức quan đứng thứ hai trong triều thời bấy giờ. Cuối đời Lý, nhà Vua bỏ bễ chính sự, nhân cơ hội ấy các thế phản nghịch âm mưu cướp ngôi, cuộc nội chiến đấu kéo dài hơn chục năm, Ngài thường xuyên khuyên nhà Vua và tổ chức các lực lượng chống lại bọn phản nghịch gìn giữ giang sơn đất nước, khiến phe phản nghịch gặp nhiều khó khăn. Biết Ngài là người trung nghĩa, không gì lay chuyển được ý chí phò Vua, cứu nước nên bọn phản nghịch đã mưu hại Ngài vào ngày mồng tám tháng Giêng năm Bính Thân (1256). Sau này các triều Vua khi luận công ban thưởng đều nêu gương Ngài như một trung thần tiết nghĩa, ban cho tiền xây cất đền, miếu thờ phụng và sắc phong Ngài là Thành Hoàng Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương -  kiến, nghĩa, khiêm, trung phù chính, anh kiên liệt, trao vị Thượng Đẳng Tôn Thần. Có 72 nơi thờ phụng Ngài, thật xứng danh “sinh vi Tướng, tử vi Thần” uy danh thiên hạ. Đình Phùng Khoang hiện còn lưu giữ được chín đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, trong đó có đạo sắc phong từ đời Vua Lê Hiển Tông, năm cảnh hưng thứ 44 (1783) còn nguyên vẹn đã nêu lên tấm lòng thành kính của dân chúng Làng Phùng Khoang đối với công tích của Đức Thành Hoàng. Từ đó dân chúng Làng Phùng Khoang tổ chức lễ hội rước Đức Thành Hoàng vào mồng tám tháng Giêng âm lịch hàng năm, và còn được duy trì cho tới tận ngày nay. Tới đây chúng tôi không chỉ chụp lễ hội mà chúng tôi còn chụp được rất nhiều cảnh sinh hoạt của người dân nơi đây, chụp quang cảnh đình Phùng Khoang…

 

 

Cổng Đình ngày hội

 

Lễ hội Đình Phùng Khoang không chỉ là lễ hội văn hóa dân gian, mang đậm phong tục, tập quán cổ truyền của dân tộc mà còn là lễ hội văn hóa tâm linh, đem nguồn ánh sáng trí tuệ và trung nghĩa của Thành Hoàng Đoàn Thượng Đông Hải Đại Vương đến với mọi người. Lễ hội Đình Phùng Khoang thật sự là lễ hội văn hóa dân gian mang đậm tinh thần dân tộc: “uống nước nhớ nguồn” với sắc thái độc đáo riêng biệt, kết hợp hài hòa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc.


Câu ca: " Nhất vui mở hội 5 làng / Để cho thiên hạ phố phường vào xem..." đã phần nào nói lên quy mô và ảnh hưởng của lễ hội cổ vùng ven đô này. Theo truyền thuyết thì 4 vị thành hoàng của 5 làng Giáp Nhất, Phùng Khoang, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc (Chính Kinh và Cự Lộc cùng thờ chung một vị thành hoàng) đều là anh hùng võ tướng có công đánh giặc yên dân lập nên làng nên xóm. Các vị thành hoàng này sống ở những triều đại khác nhau từ thời Bố Cái Đại vương Phùng Hưng cho đến thời Lý nhưng trong tâm thức của người dân thì các vị đều là anh em và theo cổ lệ, cứ 5 năm thì dân chúng cũng tổ chức lễ rước kiệu chung cho các vị gặp nhau một lần.

Comments